Do Thái là một trong những dân tộc ưu tú và xuất sắc trên thế giới, đã sản sinh ra những danh nhân vĩ đại cho nhân loại, rất nhiều doanh nhân thành đạt và là dân tộc thông thạo nhiều ngoại ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng người Do Thái rất coi trọng giáo dục gia đình, rất quan tâm đến thuyết Thai giáo học và Giáo dục sớm. Điều đặc biệt hơn là nó đã được lưu truyền lại trong kinh Torahn và kinh Talmudh của người Do Thái từ lâu đời. Theo nhà giáo dục người Do Thái – Bawe “Trong cuộc đời con người không có gì quan trọng hơn là giáo dục trẻ từ nhỏ, chúng ta nên tìm mọi cách để trí tuệ, khả năng của trẻ được phát huy tối đa”. Vì vậy, cha mẹ người Do Thái qua nhiều thế hệ luôn coi trọng sự phát triển tiềm năng, bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0-6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh nhất, giáo dục sớm là phát triển tiềm năng cho con, đặt nền tảng vững chắc cho con sau này. Họ luôn dạy con: “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương”, “Khi nhà cháy con nên đem theo trí tuệ”… Với người Do Thái sách vở không chỉ là “kho báu” mà còn có nhiều điều bổ ích, nên nó luôn ngọt ngào với tất cả các gia đình. Họ luôn quan tâm giáo dục ngôn ngữ, nhiều ngoại ngữ, rèn luyện khả năng ghi nhớ cho trẻ từ nhỏ, giải đáp mọi thắc mắc, kích thích trẻ hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức, thế giới xung quanh trẻ. Gần đây một số nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng chính việc sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, nói ngôn ngữ đan xen đã, kích hoạt sự kết nối các nơ-ron thần kinh trong não bộ của trẻ. Nội dung:
I. Tôn thờ trí tuệ
Cha mẹ người Do Thái luôn dạy con từ khi còn nhỏ ; “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương”…Họ không chỉ coi trọng trí tuệ, mà còn có nhiều phương pháp để tích luỹ trí tuệ, bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ, vận dung nhiều biện pháp giúp trẻ học tập hiệu quả.
1. Khi nhà bị cháy, con cần mang theo trí tuệ. Người Do Thái luôn sùng bái trí tuệ và tôn trọng kiến thức. Họ luôn dạy con cái “Nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình, vì trí tuệ sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, không ai có thể lấy trí tuệ của con ”, dạy con cái biết quý trong sách vở, chăm chỉ học hành để có kiến thức uyên bác. Họ không chỉ cổ vũ, động viên mà còn bồi dưỡng, hướng dẫn con khả năng tự học và tiếp nhận kiến thức thông qua nhiều hình thức như thu thập tài liệu, lựa chọn tài liệu hợp lí, giao lưu với nhiều người để học hỏi, kiến thức không phải chỉ có trong sách mà còn ở trong cuộc sống hàng ngày.
2. Từ nhỏ con đã học thuộc Kinh Thánh. Dựa vào trạng thái ý thức ghi nhớ khác nhau, người Do Thái chú ý và áp dụng hai loại: Một là ghi nhớ vô thức, hai là ghi nhớ có ý thức, trẻ càng nhỏ khả năng ghi nhớ vô thức càng cao (Điều này đã có trong bài “Giáo dục sớm” và “Đợi đến mẫu giáo thì đã muộn”). Cha mẹ người Do Thái đã và luôn biết cách vận dụng hai loại ghi nhớ này để dạy trẻ nhỏ. Họ cho trẻ nhỏ học thuộc “Kinh thánh Cựu Ước”, họ không chỉ muốn trẻ hiểu biết về văn hoá của dân tộc mình, mà còn giúp chúng bồi dưỡng “hệ thống trí nhớ thiên tài”. Ngoài việc nâng cao trí nhớ cho trẻ, họ còn quan tâm đến việc kết hợp suy nghĩ và ghi nhớ để kích thích sự sáng tạo của trẻ và dạy chúng chỉ nên nhớ những điều quan trọng.
3. Con cần học ngoại ngữ từ nhỏ. Là dân tộc có rất nhiều thương gia tài giỏi, ngoài khả năng phi thường trong kinh doanh, họ đều có một điểm chung là rất giỏi ngoại ngữ. Người Do Thái rất coi trọng ngoại ngữ và thường nói “Có thể nói được vài thứ tiếng, giá trị của bạn bằng mấy người cộng lại”. Vì vậy, họ luôn tận dụng mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ học và nắm vững ngoại ngữ một cách hiệu quả như kích thích hứng thú học ngoại ngữ thông qua trò chơi, học ngoại ngữ thông qua những vật dụng hàng ngày và tạo không khí, môi trường học ngoại ngữ trong gia đình.
Các nhà nghiên cứu về người Do Thái kết luận rằng: Người Do Thái trộn tiếng mẹ đẻ vào những ngôn ngữ mới muốn học, ngôn ngữ mới đó sẽ trở nên thân thuộc. Thay vì cảm giác chán nản, người học luôn có cảm giác chủ động, bộ não được kích thích bởi nhiều thách thức thú vị.
Việc học ngôn ngữ mới theo cách lồng ghép này sẽ trở thành một cuộc đua đầy trí tuệ và hấp dẫn, khi họ luôn thách thức bản thân phải nhớ được nhiều hơn, nói được dài hơn và nhuần nhuyễn hơn những câu trong ngôn ngữ mà họ đang học, đồng thời thể hiện được sự kiên nhẫn cao hơn trong học tập.
Sau cùng phần thưởng cho những lần tập luyện hào hứng và kiên trì này sẽ là việc tận hưởng cảm giác tự do và độc lập trong việc giao tiếp bằng ngoại ngữ một cách dễ dàng. Như vậy, chỉ với phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả được áp dụng hàng ngàn năm nay mà người Do Thái đã luôn làm chủ mọi ngôn ngữ mà họ muốn chinh phục. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, việc học nhiều ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ đã tạo sự kích thích, tăng khả năng kết nối các nơ-ron thần kinh là một trong những nguyên nhân tạo cho người Do Thái được nằm trong những chủng tộc thông minh và ưu tú trên thế giới.
4. Sách vở luôn ngọt ngào. Người Do Thái cho rằng, trong sách không chỉ có “kho vàng” mà còn có rất nhiều điều bổ ích nên họ rất yêu sách. Đặt tủ sách ở đầu giường là truyền thống, là thái độ sùng kính đối với sách và cũng để đọc sách thường xuyên hơn. Họ luôn muốn con cái ham đọc sách từ nhỏ và muốn trẻ giữ được đam mê này. Vì vậy vào mỗi buổi tối, cả gia đình thường ngồi đọc sách; đặt mua định kì tạp chí hoặc báo, đồng thời giám sát việc đọc của trẻ; hàng tuần đưa trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm làm tăng kiến thức và hứng thú học tập cho trẻ; cha mẹ người Do Thái luôn là tấm gương tốt để truyền đạt kiến thức và hứng thú đọc sách cho con cái.
5. Học bất cứ lúc nào cũng không muộn. Người Do Thái thích câu nói của Labi “Trong vườn cây giáo dục, không có cây kết quả sớm, cũng không có cây kết quả muộn, chỉ có cây không ngừng mở rộng trí tuệ và tư tưởng” và họ luôn coi danh ngôn của Seqier làm lời răn dạy bản thân và cổ vũ người khác học tập “Lúc này không học, bao giờ mới học”. Vì vậy với họ, việc học tập không phụ thuộc vào tuổi tác, không phụ thuộc vào thân phận giàu nghèo, ai có ý chí đều nên đọc sách để học hỏi kiến thức. Bất cứ ở đâu, lúc nào, người Do Thái đều coi kiến thức và trí tuệ là mục đích hướng tới, với họ, sách vở là nguồn dinh dưỡng của tiền bạc và sự sống.
6. Thói quen đặt câu hỏi trong khi học. Đặt câu hỏi trong quá trình học tập chứng tỏ trẻ có suy nghĩ, nếu bản thân trẻ tự tìm ra đáp án đúng sẽ kích thích sự say mê học tập, kích thích sự phát triển tư duy của trẻ. Tất nhiên, muốn trẻ có thói quen đặt câu hỏi, cha mẹ cần tích cực trả lời các câu hỏi của trẻ một cách kiên nhẫn; hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, kích thích sự tò mò và quan sát cuộc sống xung quanh và thường ngày cha mẹ cần đặt ra nhiều câu hỏi cho trẻ.
7. Trí tuệ của con bắt đầu từ sự chú ý. Người Do Thái rất đồng tình với câu nói của Labi “Thiên tài bắt nguồn từ khả năng chú ý. Đây là cánh cửa dẫn đến thế giới tri thức, không có cánh cửa này nhiều tri thức khó có thể được trẻ nắm bắt”. Chú ý là một hiện tương tâm lí, trẻ sẽ phát triển dần từ chú ý vô thức (sau khi sinh) thành khả năng chú ý có ý thức. Nếu trẻ thiếu khả năng tập trung chú ý, việc học tập, kết quả công việc của trẻ bị ảnh hưởng và ngược lại nếu trẻ làm việc tập trung và chuyên tâm, kiến thức và trí tuệ của trẻ sẽ được nâng cao. Cha mẹ người Do Thái luôn căn cứ vào các quy luật phát triển tâm lí để bồi dưỡng khả năng chú ý có ý thức và giúp trẻ tập trung chú ý hơn. Để làm việc đó họ chú ý loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài, tạo ra một môi trường học tập tốt; không để trẻ quá mệt mỏi bằng cách thay đổi cách thức học tập; kịp thời làm tăng sự tự tin cho trẻ bằng những lời cổ vũ hoặc quà tặng; bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trí não; và quan tâm đảm bảo thời gian và chất lượng giấc ngủ cho trẻ.
8. Suy nghĩ mang lại kiến thức và trí tuệ cho con. Người dân Do Thái có câu “Không là con lừa cõng trên lưng nhiều sách”, vì vậy họ luôn dạy trẻ không bắt chước máy móc, không ỷ lại những kiến thức đã có mà phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi để biến kiến thức thành trí tuệ và năng lực của mình. Để thực hiện được điều đó họ luôn khuyến khích con hoài nghi, đặt câu hỏi và suy nghĩ, tra cứu tìm câu trả lời; làm cho cuộc sống của con thêm phong phú như cùng đọc sách, cùng thảo luận, tăng giao lưu, tiếp xúc… nhằm kích thích trí tò mò và khám phá ; hạn chế tính ỷ lại của trẻ.
9. Khuyến khích bé trải nghiệm. Việc để trẻ trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức cho trẻ, giúp trẻ phát huy năng lực và trí tuệ của bản thân. Hộp bút màu là món quà hay được người mẹ Do Thái tặng con, nó giúp trẻ phân biệt, sử dụng màu sắc và thường tổ chức các cuộc thi hội hoạ. Đồ chơi không chỉ để chơi mà còn có thể tháo lắp để tìm tòi, đó là cách người Do Thái khuyến khích trẻ tìm tòi nghiên cứu từ khi còn nhỏ.
II. Tự lập tự cường
1. Tin vào bản thân mới có thể sớm tự lập. Tin tưởng và dựa vào bản thân là biểu hiện cao nhất của sự tự lập, nó giúp trẻ không lùi bước trước khó khăn và dũng cảm tiến về phía trước; tự lập giúp trẻ mạnh dạn, nỗ lực vươn tới thành công và để đạt được ước mơ. Vì vậy họ luôn rất yêu con nhưng không nuông chiều con và luôn có nguyên tắctôn trọng quyết định của con và bồi dưỡng ý thức độc lập cho con; rất quan tâm giáo dục kĩ năng sống tự lập và coi đó là tiền đề giúp trẻ nhận thức ý nghĩa sống dựa vào năng lực bản thân mà không dựa dẫm vào bố mẹ.
2. Bí quyết để có khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Một dân tộc sinh tồn trong khó khăn, gian khổ, ngoài trí tuệ tuyệt vời, họ đều nhận thức rõ về điều kiện sống và địa vị sinh tồn của dân tộc mình. Họ tồn tại được đến ngày nay là bởi phẩm chất kiên cường, ý chí bất khuất, không chịu bỏ cuộc để từng bước vươn lên. Người Do Thái thường nói “Học cách sinh tồn từ việc nhỏ, học khả năng khác từ việc lớn”. Họ luôn quan tâm bồi dưỡng khả năng kiên trì, bền bỉ và có trách nhiệm cho con cái từ những việc nhỏ; luôn kiên quyết từ chối những yêu cầu không hợp lý của con; giúp con đặt kế hoạch và mục tiêu học tập hợp lí và khoa học; tạo cơ hội khuyến khích trẻ làm một việc gì đó lâu dài.
3. Con bắt đầu lao động từ lúc 2 tuổi. Trong quan niệm của người Do Thái, một người muốn thành đạt cần thông minh và chăm chỉ. Vì vậy họ luôn quan tâm bồi dường tình yêu lao động cho con, nhiều trẻ em ngay từ nhỏ đã được hướng dẫn làm những công việc nhà một cách phù hợp. Họ sắp xếp công việc cho trẻ, quan tâm giao những việc trẻ có năng lực, thích làm để tăng khả năng và làm những việc trẻ hay mắc lỗi, sợ sệt để rèn luyện. Tất nhiên không thể kỳ vọng vào kết quả hoàn hảo từ trẻ nhỏ, họ không bao giờ trách mắng con, luôn khích lệ và khen ngợi con cái.
4. Niềm tin. Người Do Thái thường dạy con “Tự tin giúp con người cố gắng khắc phục khó khăn, chiến thắng thất bại, đạt được thành công. Nếu con có đủ tự tin và luôn cố gắng, con sẽ làm được mọi việc”. Để bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ, họ quan tâm loại trừ tâm lí tự ti , thông qua việc tôn trọng con cái, đứa con biết rằng bản thân mình rất quan trọng; cha mẹ luôn cổ vũ động viên trẻ thông qua những tấm gương người thành đạt; khen ngợi và cổ vũ thích hợp; không làm giúp trẻ; và giúp trẻ thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình, phân tích nguyên nhân tạo ra khuyết điểm đó và tìm cách khắc phục. Sự tự tin trong trẻ không những giúp trẻ miễn dịch với cái xấu mà nó giúp cho trí tuệ của trẻ được phát ra giống như mạch nước ngầm trong lòng đất sẽ phát lộ và phun trào như dòng suối.
5. Trừng phạt con hợp lí sẽ mang lại hiệu quả đối với con. Trẻ còn nhỏ không tránh khỏi những sai xót, việc nhắc nhở và trừng phạt là cần thiết. Tuy nhiên không được thiếu tôn trọng trẻ, không được trách mắng mù quáng và trừng phạt không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ. Chỉ có những biện pháp trừng phạt hợp lí, khoa học trách phạt nhưng vẫn tôn trọng trẻ, mới giúp trẻ giảm bớt những hành vi không đúng. Cha mẹ người Do Thái được hướng dẫn đặt và trả lời 10 câu hỏi trước khi trừng phạt trẻ: 1. Mục đích của sự trùng phạt này là gì?; 2. Cách phạt này có ngăn chặn được hành vi không đúng của trẻ không? 3. Cách phạt này có giúp trẻ hiểu được hành vi sai trái của mình không? 4. Tại sao mình lại trừng phạt con, có phải vì mình đang tức giận không? 5. Có phải xuất phát từ sự kích động mà mình trừng phạt con không? 6. Khi không tức giận, mình có trừng phạt con như vậy không? 7. Cách phạt này có làm con cảm thấy xấu hổ hoặc tủi thân không? 8. Không còn cách nào khác ư? 9. Cách trừng phạt này là một phần của kế hoạch ư? 10. Có phải mình luôn trừng phạt con như vậy?
6. Con là một đứa trẻ dũng cảm. Các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình dũng cảm, mạnh dạn, không nhút nhát, sợ bóng tối, sợ “ma quỷ”, dám đương đầu với khó khăn, không ỷ lại vào người khác, bình tĩnh tự tin và suy nghĩ tìm cách giải quyết khó khăn để đạt mục tiêu. Để đạt được mong muốn đó, cha mẹ người Do Thái luôn tự mình xây dựng tấm gương tốt cho trẻ noi theo; luôn tôn trọng trẻ, tìm nguyên nhân để giải thích và lựa chon cách thích hợp giúp trẻ không sợ hãi và loại bỏ tâm lý sợ hãi; quan tâm bồi dưỡng tính tự lập, độc lập giải quyết vấn đề cho trẻ.
7. Dũng cảm thể hiện bản thân. Rèn luyện cho trẻ thói quen dũng cảm thể hiện khả năng của bản thân, không chỉ giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập với tập thể, thích ứng với xã hội, mà còn tăng tỉ lệ thành công trong tương lai. Tất nhiên cùng với nó cần dạy trẻ nhận thức đúng đắn chính mình, điểm mạnh, hạn chế và khả năng của bản thân để thể hiện sở trường, điểm mạnh và khắc phục những hạn chế. Họ luôn hiểu và đồng cảm với những trẻ nhút nhát, cổ vũ động viên trẻ và rèn luyện khả năng thể hiện bản thân ở nơi đông người.
8. Thất bại chẳng là gì đối với con. Trong cuộc đời con người, không ai không có lần thất bại và vấp ngã, nhưng điều đó không đáng sợ, điều đáng sợ là sau khi vấp ngã không có đủ dũng khí để đứng lên, không rút được những bài học kinh nghiệm bổ ích để vững vàng đi tiếp. Mỗi khi con cái thất bại, cha mẹ người Do Thái luôn chú ý tới thái độ của mình, không chỉ trích mắng mỏ , mà luôn luôn cổ vũ, an ủi con. Để giáo dục con, họ chủ động đặt ra một số khó khăn cho trẻ để rèn luyện, thử thách. Nếu con thất bại, họ sẽ hướng dẫn trẻ tìm cách vượt qua những chướng ngại và thử thách để đạt được thành công, từ đó tăng thêm dũng khí cho trẻ.
9. Chăm chỉ luôn là phẩm chất tốt đẹp của con. Chăm chỉ là một phẩm chất cần có của người Do Thái, vì vậy họ bồi dưỡng thói quen lao động cho trẻ từ nhỏ để rèn luyện đức tính chăm chỉ và kỹ năng sống cho trẻ. Họ khen ngợi kịp thời sự chăm chỉ của trẻ, những việc có thể làm được thì giao cho trẻ và họ đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng thói quen học tập chăm chỉ cho trẻ từ nhỏ.
III. Quản lý tài chính
1. 3 tuổi, con bắt đầu học nhận biết đồng tiền. Người Do Thái cho rằng, người có khả năng quản lí tài chính và ý thức đầu tư giỏi sẽ biết kiếm tiền và quản lý tiền. Do vậy họ cho rằng dạy trẻ những kiến thức về tài chính là rất quan trọng. Từ lúc 3-4 tuổi, đa số trẻ em Do Thái đều đã được học cách nhận biết đồng tiền, được giảng giải để hiểu về giá trị và công dụng của đồng tiền, được giáo dục cách chi tiêu và được dạy cách lập dự toán kế hoạch chi tiêu trong gia đình.
2. 5 tuổi con đã bắt đầu làm thêm kiếm tiền. Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ không chỉ dạy con độc lập về kinh tế, mà còn để trẻ thông qua cách “làm thêm” kiếm tiền tự nuôi bản thân và học được kĩ năng sống tự lập. Với họ 5 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để trẻ “làm thêm” việc nhà để kiếm tiền, họ có bảng phân công việc nhà hàng ngày cho trẻ, sau mỗi công việc có ghi số tiền thưởng. Tất nhiên không phải tất cả việc nhà đều được nhận tiền thưởng vì một số công việc thuộc về trách nhiệm của trẻ như giặt quần áo nhỏ của mình, thu dọn, sắp xếp sách vở…
3. Con biết tiết kiệm, nhưng tuyệt đối không keo kiệt. Chăm chỉ và tiết kiệm là là hai yếu tố quan trong và là phẩm chất tốt đẹp của người Do Thái, nhưng họ không keo kiệt vì với họ, những người keo kiệt là những người ngu ngốc và nghèo khó. Họ giảng giải cho con biết chăm chỉ và tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp; thông qua những việc nhỏ để trẻ biết ý nghĩa của chăm chỉ, tiết kiệm; dùng hành động của bản thân để làm gương và cảm hoá trẻ; hướng dẫn trẻ chi tiêu hợp lý, không hoang toàng và cũng không keo kiệt.
4. 1 đô la con cũng muốn làm. Cha mẹ người Do Thái thường dạy con rằng: Không nên phân biệt tiền nhiều hay ít, món tiền nhiều cũng được tạo nên bởi những món tiền nhỏ, chỉ cần kiếm tiền một cách hợp pháp thì 1 đô la cũng cần kiếm; “Thương trường là chiến trường, trên chiến trường đó, luôn dùng thành bại để luận anh hùng”. Còn thành bại lại được quyết định bởi bạn có thông minh hơn không và biết dùng trí thông minh đó hay không.
5. Giá trị của một kg đồng. Qua câu chuyện nhỏ về giá trị của một kg đồng, người Do Thái giáo dục con cái từ nhỏ rằng, tài sản đích thực là trí tuệ, chỉ có trí tuệ mới không bị ai tranh giành. Nhưng thực ra, sự thông minh nhạy bén của người Do Thái bắt nguồn từ thái độ của họ, họ không coi sự thông minh nhạy bén là mục đích duy nhất, mà chỉ là điều cần thiết để áp dụng trong cuộc sống. Còn đạo đức và thái độ đối với công việc mới là tiền đề để dẫn đến thành công.
6. Con hiểu, nguy hiểm và thành công tỉ lệ thuận với nhau. Người Do Thái luôn thích mạo hiểm trong kinh doanh, vì chỉ có kinh doanh mạo hiểm, mới dễ đạt lợi nhuận cao. Do đó họ luôn giáo dục con cái coi trọng tinh thần mạo hiểm, dũng cảm vượt qua thách thức. Phương pháp của họ là truyền dạy cho trẻ quan niệm mạo hiểm đúng đắn như, không vi phạm pháp luật, không tổn hại đến đạo đức xã hội, không làm hại đến bản thân và người khác; sắp xếp các tình huống trong cuộc sống thường ngày để kích thích, hướng dẫn và rèn luyện tinh thần mạo hiểm cho trẻ.
7. Thành tín, nguyên tắc kinh doanh của con. Người Do Thái đều rất thành tín, điều này liên quan rất lớn đến tín ngưỡng tôn giáo của họ. Họ không chỉ giữ tín ngưỡng trong kinh doanh mà trong bất cứ mối quan hệ nào. Bồi dưỡng phẩm chất thành tín cho trẻ được đặc biệt coi trọng, thông qua việc xây dựng tấm gương thành tín để con noi theo; đáp ứng nhu cầu hợp lí cho trẻ, những nhu cầu không hợp lí của trẻ cần được giảng giải; và cần tin tưởng trẻ, không nên nghi ngờ trẻ.
IV. Đối xử thân thiện với người khác.
1. Con sẽ đối xử với mọi người như với chính bản thân mình. Cha mẹ người Do Thái thường dạy con cần yêu thương người khác như yêu bản thân mình, biết yêu thương người khác chân thành mới nhận được sự tôn trọng và yêu mến của mọi người, đồng thời cuộc sống của con sẽ trở nên phong phú và thiết thực hơn. Họ bồi dưỡng cho con phẩm chất biết yêu thương thông qua việc tăng cơ hội cho trẻ giao lưu với những người xung quanh; đối xử khoan dung với người khác và ai cũng là người quan trọng, giúp trẻ học cách quan sát và cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của người khác, biết cổ vũ động viên và an ủi kịp thời.
2. Khi hàng xóm gặp khó khăn, chúng ta nên giúp đỡ họ. Truyền thống giúp đỡ lẫn nhau đã tồn tại từ rất lâu ở dân tộc Do Thái. Họ luôn dạy con cái biết yêu thương dân tộc mình, quan tâm tới mọi người; giúp đỡ người khác theo khả năng và không nên chờ đợi sự đền đáp ; khi giúp đỡ người khác, không được làm tổn thương đến lòng tự trọng của người ấy.
3. Con là một đứa trẻ lễ phép. Lễ phép là phẩm chất cần có trong quan hệ giao tiếp, giúp giảm những xung đột, mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hoà giữa người với người. Người Do Thái quan niệm, phẩm chất con người tốt hay xấu sẽ quyết định sự thành công của người ấy. Họ giáo dục con trẻ thông qua việc xây dựng tấm gương tốt; dạy trẻ các phép tắc lịch sự, lễ phép với khách, mọi người xung quanh và bồi dưỡng lòng tự tôn cho trẻ.
4. Con không bao giờ được coi thường người khác. Không coi thường, đối xử bình đẳng, khoan dung và chân thành với mọi người là tiền đề để bản thân chúng ta được tôn trọng và có mối quan hệ tốt. Trong xã hội dân chủ, quan hệ rộng rãi là điều kiện cần thiết cho sự thành công của mỗi người, sự thành công của mỗi người không thể tách rời sự ủng hộ của những người xung quanh. Để giáo dục phẩm chất đó cho con trẻ, cha mẹ người Do Thái xoá bỏ các quan niệm cổ hủ, tăng cơ hội cho con cái trong tiếp xúc với người khác, nâng cao trình độ văn hoá cho trẻ để đánh giá con người và sự vật một cách toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó hình thành thói quen tôn trọng người khác.
5. Mặc dù còn nhỏ nhưng con đã biết đoàn kết. Chính bởi ý thức hợp tác, đoàn kết, tương thân tương ái, thận trọng trong lời nói, việc làm mà trải qua bao khó khăn, bị truy sát bức hại, người Do Thái vẫn ngoan cường sống, chiến đấu, sinh tồn và phát triển huy hoàng như ngày nay. Cha mẹ người Do Thái chú ý bồi dưỡng cho con trẻ tinh thần đoàn kết thông qua bồi dưỡng tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, ý thức tập thể, hoà nhập với mọi người, rèn luyện trẻ thông qua các trò chơi giúp trẻ thấy được lợi ích của sự đoàn kết.
6. Con biết hai cái tai luôn nhiều hơn một cái miệng. “Thượng đế tạo cho con người hai cái tai, một cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều”…lời nói đúng mực như liều thuốc tốt, nhưng nói quá nhiều thì tác dụng ngược lại, không có ích mà còn làm hại bản thân; không có ai bình luận về cuộc sống của người khác cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn và tranh chấp; “Im lặng là vàng, hùng biện là bạc”. Đó là câu ngạn ngữ và những điều cha mẹ người Do Thái thường dạy con cái, họ còn dạy con không tùy tiện đánh giá người khác và dạy con ý nghĩa và cách thức lắng nghe để được người khác tin cậy.
7. Sáng suốt khi kết bạn. Người Do Thái thường nói “Bạn bè chân chính giống như cái lều vững chãi, có thể che nắng che mưa cho con người, là vật báu vô giá trong cuộc sống”, “Chơi với chó sẽ có bọ chét bám vào người” và “Nếu con kết giao với người thông thái, con cũng trở thành người thông thái…” để dạy con cái thận trọng khi kết giao bạn bè. Họ dạy con lựa chọn bạn phải là người tôn trọng con vì người biết tôn trọng người khác sẽ biết cư xử đúng mực, có phẩm chất nhân cách cao quý; Là người hiểu con, họ có thể góp vui, chia buồn, an ủi và nhắc nhở con khi cần thiết; và là người giúp đỡ con những lúc khó khăn trong cuộc sống.
8. Dù có ích thế nào con cũng không nên ép buộc người khác. Tôn trọng ý kiến và lựa chọn của người khác giúp trẻ cải thiện mối quan hệ, từ đó tạo mối quan hệ giao lưu gắn bó. Họ dạy con cần hiểu người khác khi giao lưu, cần học cách đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ vấn đề, để có thể hiểu được người khác, tôn trọng ý kiến, quyết định của họ và việc hình thành thái độ khiêm tốn, hài hoà là điều không thể thiếu trong giao tiếp. Ngược lại ép buộc người khác làm theo ý mình là tự cô lập bản thân, gây phản cảm cho người khác và làm hỏng mối quan hệ giao tiếp.
V. Quan niệm giáo dục có sức ảnh hưởng rất lớn.
1. Chúng ta rất tự hào về con. Mỗi đứa trẻ đều có thiên phú riêng và đều rất đặc biệt, yêu trẻ chính là bạn cần chấp nhận trẻ, chấp nhận cả những thất bại và khuyết điểm của trẻ. Điều này sẽ đem lại cảm giác an toàn và tự tin , nhờ vậy trẻ sẽ có được sức mạnh phát huy được những năng lực tiềm ẩn. Ngoài ra, sự khẳng định của cha mẹ sẽ giúp trẻ học cách chấp nhận người khác, từ đó giúp trẻ học được sự khoan dung và độ lượng.
2. Tất cả sự giáo dục đều là vì tương lai của con. Người Do Thái không chỉ chú trọng đến kiến thức đã học, mà còn chú trọng đến tài năng thiên bẩm của con và tạo điều kiện để tài năng đó phát triển, họ cho rằng thiếu tài năng thì khó phát huy được giá trị đích thực, họ rất coi trọng giáo dục, thông qua giáo dục để bồi dưỡng, phát huy tài năng cho trẻ. Ngoài ra họ rất quan tâm rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho tương lai sau này.
3. Phát triển tiềm năng cho trẻ càng sớm, càng tốt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Do Thái thông minh, đạt được nhiều giải Nobel một phần do hiệu quả của phương pháp giáo dục trẻ từ nhỏ mang lại. Người Do Thái quan tâm đến thuyết Thai giáo học “Thai nhi là thiên tài” và phương pháp giáo dục sớm 0-6 tuổi. Đặc biệt hơn điều này đã được lưu truyền lại trong kinh Toranh và kinh Talmudh của người Do Thái từ lâu đời. Vì vậy họ luôn coi trọng sự phát triển tiềm năng, bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0-6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh nhất, giáo dục sớm chính là phát triển tiềm năng cho con, đặt nền tảng vững chắc cho con sau này. Theo nhà giáo dục người Do Thái- Bawe thì “Trong cuộc đời con người không có gì quan trọng hơn là giáo dục trẻ từ nhỏ, chúng ta nên tìm mọi cách để trí tuệ, khả năng của trẻ được phát huy tối đa” (mời xem bài “Giáo dục sớm” và bài “Đợi đến mẫu giáo thì đã muộn”). Hầu hết cha mẹ người Do Thái đều đồng ý với ý kiến của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, nhà giáo dục nổi tiếng Lozanov rằng “Hầu hết trẻ em sinh ra đều tiểm ẩn những thiên tài…” phương pháp giáo dục đúng đắn sẽ giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình. Vì vậy quan tâm giáo dục ngôn ngữ, ngoại ngữ, rèn luyện khả năng ghi nhớ cho trẻ từ nhỏ, giải đáp mọi thắc mắc, kích thích trẻ hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức, thế giới xung quanh trẻ là điều vô cùng quan trọng để phát huy năng lực tiềm ẩn trong trẻ.
4. Quan niệm lui lại thời gian hưởng thụ. Điều này như là một trong những bí quyết nuôi dạy con của người Do Thái. Những thứ mà con người muốn, không phải là cứ với tay là có được, mà đều cần có sự cố gắng, chăm chỉ và kiên trì trong một thời gian dài. Kéo dài thời gian chờ đợi hưởng thụ nhằm giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng chịu áp lực tâm lý, từ đó tôi luyện phẩm chất kiên cường, ý chí và nghị lực vượt khó khăn trong cuộc sống để đạt được thành công.
5. Con có thế mạnh cần tiếp tục phát huy. Không ai là người hoàn hảo, mức độ thiên phú thế mạnh và nhược điểm của mỗi người cũng khác nhau. Nếu cha mẹ không để ý, trách mắng trẻ, ép trẻ học tập làm việc để bù đắp những nhược điểm sẽ gây cho trẻ bị tổn thương. Mỗi vĩ nhân đều có những niềm đam mê riêng , mỗi đứa trẻ đều có sở trường riêng. Sự hứng thú sẽ kích thích trẻ học tập, nhưng đối với trẻ sự hứng thú thường không kéo dài vì vậy cần sự trợ giúp của cha mẹ để những hứng thú, đam mê của trẻ được duy trì và phát triển. Người làm cha mẹ giỏi là người phát hiện được những thiên hướng của con trẻ và tạo cơ hội để nó duy trì phát triển. Hãy luôn nhớ rằng “Trên đời không có phế thải, chỉ có để nhầm chỗ mà thôi”.
6. Tài ăn nói chiếm một nửa của thành công. Người Do Thái cho rằng, muốn đạt được thành công, ngoài tư duy nhạy bén, ăn nói lưu loát là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy họ rất quan tâm đến bồi dường khả năng ăn nói của con thông qua việc cổ vũ trẻ suy nghĩ, đặt và trả lời các câu hỏi, cổ vũ trẻ thể hiện bản thân trước đông người.
7. Con nên biết thế nào là khả năng thưởng thức cái đẹp. Bồi dưỡng cảm quan thẩm mỹ không chỉ làm phong phú cuộc sống tinh thần, bồi dưỡng tình cảm cho trẻ, mà còn kích thích trí tuệ trẻ phát triển và bồi dưỡng thái độ sống lạc quan, tích cực. Để làm được việc đó họ bồi dưỡng cho trẻ nhận biết vẻ đẹp bên ngoài như sự hài hoà của màu sắc, vẻ đẹp của thiên nhiên và để trẻ cảm nhận cả vẻ đẹp bên trong của sự vật. Đó là lý do dân tộc Do Thái đã sinh ra nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ nổi tiếng.
8. Lễ Vượt Qua, cùng nhau nhớ lại nào! Lễ Vượt Qua là để kỷ niệm Moses đã đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi Ai Cập trong giai đoạn gian khổ. Đây là dịp cha mẹ kể cho con cái nghe những trải nghiệm khó khăn, gian khổ của tổ tiên, cùng ăn những món ăn đặc biệt như: Bánh không men, đùi cừu nướng, trứng gà nướng, rau đắng, rau cần, bốn cốc rượu để nếm trải những khó khăn, vất vả mà cha ông đã từng vượt qua. Trong lịch sử, người Do Thái đã trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ: Sống cuộc dời lang bạt, bị kỳ thị, nhân cách bị làm nhục, tính mạng bị dồn đẩy vào diệt vong… Những điều đó đã luôn nhắc nhở họ rằng, chỉ có trải qua những thử thách khó khăn, cuộc sống mới phát triển, dân tộc mới hưng thịnh. Với họ khó khăn là điều cần thiết cho cuộc đời của trẻ, họ quan tâm giúp trẻ hiểu được và cảm nhận sự khó khăn, vất vả, thậm chí còn tạo ra những trở ngại thích hợp cho trẻ, nhằm nâng cao khả năng chịu khó, chịu khổ từ đó giúp trẻ tự tin chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.
9. Giỏi lắm, chiếc ghế con làm rất đẹp. Kinh thánh Do Thái nói rằng: “Là cha mẹ thì bất cứ lúc nào cũng không mất đi niềm tin và hy vọng vào con cái, đặc biệt khi con cái gặp khó khăn”. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm phát hiện thiên hướng tài năng của con trẻ, khích lệ động viên con phát huy những tài năng đó, bồi dưỡng sự tự tin, khích lệ sự tìm tòi, sáng tạo của trẻ. Mỗi lần không thành công, hãy giúp con rút được bài học kinh nghiệm và vượt qua khó khăn để bước tiếp một cách tự tin.
VI. Giáo dục đạo đức cho con cái
1. Con ơi, con nên biết hiếu kính với cha mẹ. Mỗi gia đình là một chỉnh thể, cần có sự đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, tất cả mọi người đều tham gia vào công việc gia đình, vun đắp hạnh phúc gia đình, cha mẹ là trụ cột, giúp gia đình ổn định. Kính hiếu với ông bà, cha mẹ, người lớn là một phẩm chất đạo đức cơ bản cao quý nhất và ai cũng mong muốn điều đó ở con cái mình. Để làm được điều này chắc chắn các bậc cha mẹ phải là những tấm gương tốt cho con trong việc đối xử với ông bà, quan tâm xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lý, có tôn ti trật tự, nhưng bình đẳng, lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ của con, không dùng uy quyền và quyết định thay con, và tạo cơ hội cho trẻ thể hiện lòng hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ.
2. Con ơi, kính trọng cha mẹ là vô cùng quan trọng. Kinh thánh của người Do Thái có câu “Kính trọng cha mẹ làm bạn hạnh phúc và trường thọ”. Người Do Thái rất coi trọng gia đình, họ luôn quan niệm gia đình là tế bào của xã hôi, chỉ khi gia đình hoà thuận, cả dân tộc mới thịnh vượng, phát triển và sự đoàn kết và tình thương yêu là nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc Do Thái phát triển và lớn mạnh. Để có một gia đình hoà thuận họ quan tâm điều chỉnh lời nói, ngữ khí không đúng cho trẻ, bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt, luôn kiên trì giải quyết các mâu thuẫn của trẻ.
3. Gặp thầy cô giáo, con nên cúi chào. Người Do Thái thường nói: “Giáo dục trẻ là một công việc kỳ diệu, mỗi người đều cần tôn trọng thầy cô giống như tôn trọng Thượng Đế”. Trong quá trình trưởng thành, ngoài sự giáo dục của cha mẹ, phần nhiều trẻ được giáo dục, dạy dỗ bởi thầy cô giáo, sự thành công của trẻ không tách rời sự dạy dỗ của thầy cô. Vì thế, thầy cô giáo chính là cha mẹ thứ hai của trẻ. Để trẻ biết ơn và tôn trọng thầy cô, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn có có thái độ nghiêm túc khi giao tiếp với thầy cô, có tình cảm chân thành và tin tưởng ở thầy cô.
4. Con sẽ dành dụm tiền để cho người ăn xin. Cha mẹ người Do Thái thường nới, đối xử thân thiện với người khác chính là đối xử tốt với bản thân. Giáo dục lòng bao dung cho con như đối xử thân thiện với người khác, không coi thường bất cứ ai, dựa vào khả năng của chính mình để giúp đỡ người khác là công việc cần làm, nó sẽ giúp con cái trên bước đường trưởng thành sẽ luôn có những người bạn đồng hành.
5. Con không nên tuỳ tiện nổi giận với người khác. Người Do Thái quan niệm “không dễ bị kích động mới là người thông minh”, người “khó bị kích động, luôn bình tĩnh” được xem là quân tử. Khi học được cách kiềm chế tình cảm của bản thân, sẽ ứng xử thân thiện với mọi người, như vậy quan hệ giữa mọi người sẽ trở nên tốt đẹp. Họ hướng dẫn con kiềm chế cơn tức giận bằng cách nhờ người tin tưởng để nhắc nhở, làm giảm thời gian cáu giận và nâng dần khả năng kiềm chế tình cảm của trẻ.
6. Hãy yêu thương các loài vật nhỏ. Pháp luật Do Thái quy định con người phải biết yêu thương các loài động vật, cần phải bảo vệ những loài vật nhỏ bé, yếu đuối và họ luôn tuân thủ điều này. Họ tôn trọng và dạy trẻ tôn trọng quy luật của thế giới tự nhiên, tôn trọng nhịp điệu và quy luật sinh trưởng của các loài vật, tôn trọng những sinh mệnh nhỏ yếu và luôn ý thức vạn vật trên trái đất này đều bình đẳng, cùng chung sống, không ỷ lớn bắt nạt nhỏ.
7. Thành thật, giữ chữ tín là một trong những phẩm chất cần thiết. Để giáo dục con cái phẩm chất này, ngay từ khi rất nhỏ họ đã giảng giải cho trẻ về sự trung thực, biết tầm quan trọng của sự thành thật, việc giữ chữ tín, đồng thời hình thành cho trẻ thói quen thành thật, không nói dối từ những việc nhỏ hàng ngày, thói quen tôn trọng lời hứa.
VII. Cơ thể mạnh khoẻ là tiền đề của hạnh phúc.
1. Con yêu, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhé! Việc rửa tay, rửa mặt đối với người Do Thái được coi là một nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc vì cho rằng thân thể là sản phẩm của Thượng Đế, cần được tôn trọng. Họ rất coi trọng bồi dưỡng thói quen vệ sinh cho con cái thông qua việc giữ môi trường sống, giữ quần áo và cơ thể sạch sẽ ngay từ khi còn nhỏ.
2. Kết hợp dinh dưỡng một cách khoa học. Có trách nhiệm với cơ thể mình, chính là có trách nhiệm với Thượng Đế, ngoài việc giữ gìn vệ sinh, người Do Thái rất nghiêm túc trong ăn uống. Căn cứ vào giai đoạn phát triển của trẻ, căn cứ theo mùa để sắp xếp cơ cấu bữa ăn, ngoài ra còn chú ý đến cách chế biến và màu sắc để tăng sự hấp dẫn cũng như chất lượng của món ăn.
3. Ăn uống đủ lượng và đúng giờ. Người Do Thái rất nghiêm khắc trong việc ăn uống ở gia đình và chú ý giáo dục con cái về ăn uống. Trong bữa ăn họ không chỉ quan tâm đến chủng loại thực phẩm hợp lý, mà còn quan tâm đến số lượng thức ăn và luôn ăn uống đúng giờ. Ngoài ra họ quan tâm hướng dẫn con cái cách ăn uống, tư thế ngồi ăn và một số nguyên tắc cần chấp hành trong khi ăn uống.
4. Vận động nhiều giúp cơ thể khoẻ mạnh. “Sống là vận động”, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên không chỉ có lợi về thể chất, sự trưởng thành và phát triển của trẻ mà còn bồi dưỡng ý chí cho trẻ. Cha mẹ người Do Thái luôn chú ý bồi dưỡng cho con thói quen vận động thông qua việc hướng dẫn các kỹ năng khi rèn luyện, lượng vận động và thời gian vận động thích hợp, ngoài ra còn khuyên khích con tham gia các hoạt động âm nhạc, chơi cờ…
5. Con ơi, nhớ dọn dẹp phòng sạch sẽ. Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ là một tôn chỉ của người Do Thái. Do đó, từ khi còn rất nhỏ, trẻ em Do Thái đã được rèn luyện giữ vệ sinh môi trường và thân thể luôn sạch sẽ. Cha mẹ người Do Thái lấy nguyên tắc trong tôn giáo để giáo dục con, hướng dẫn con một số kỹ năng dọn dẹp nhà cửa và dùng nhiều hình thức khuyến khích con giữ gìn nhà cửa, phòng ở sạch sẽ
6. Để bố mẹ giúp con sắp xếp thời gian hợp lí. Người Do Thái luôn cho rằng ngày cuối tuần tốt nhất nên nghỉ ngơi ở nhà, tham gia các hoạt động vui vẻ, thoải mái, tận hưởng niềm vui gia đình, hoặc đọc và nghiên cứu những cuốn sách hay, không tiêu tốn sức lực để chuẩn bị cho việc học tập và công việc vào tuần tới.
7. Văn hoá trên bàn ăn. Văn hoá ăn uống là một phần quan trong trong văn hoá của người Do Thái, họ cho rằng ngồi ăn cùng nhau sẽ bồi dưỡng thêm tình cảm gia đình. Họ luôn dạy con cái lễ nghĩa trên bàn ăn, với họ, những hành động trên bàn ăn của một người thể hiện tố chất và sự tu dưỡng của người đó; không bàn chuyện công việc bên bàn ăn và không được vắng mặt bên bàn ăn cùng gia đình.