Cafe Hàn Thuyên

(Trích “Những câu chuyện Sài Gòn” của Phan An)

cafe hàn thuyên

1. Anh hẹn cô ở café Hàn Thuyên. 9h anh nhận được tin nhắn của cô: Em đến rồi. Anh tìm khắp các bàn trong nhà, trên gác không thấy cô đâu. Anh lại nhận được tin nhắn của cô: Em ở bên kia đường cơ mà.

Với anh, café Hàn Thuyên là café ở trong biệt thự. Với cô, café Hàn Thuyên là café bệt bên công viên.

Vào Sài Gòn, anh hay ngồi ở café Hàn Thuyên như hồi ở Hà Nội, anh hay ngồi ở café Phố. Cô hay ngồi ở café Hàn Thuyên vì cô thích không khí ở đó, rất đặc trưng Sài Gòn. Cô thích cảm giác được ngồi thảnh thơi, sung sướng dưới bóng mát của những cây cao được trồng xen kẽ, ngóng những cơn gió nhẹ, nhấm nháp vị ngọt đắng của ly cafe đựng trong cốc nhựa.

Anh đi về phía cô, cô đi về phía anh, cả hai gặp nhau ở giữa đường và không biết ngồi ở café Hàn Thuyên nào, bên này hay bên kia đường.

Café bên này đường như thể café của giới trung lưu, của những người đứng tuổi và thành đạt. Café bên kia đường như thể café của sinh viên, của những người trẻ và mới bắt đầu chặng đường đời.

Anh bảo: “Anh đã có tuổi rồi, xót xa quá”. Cô bảo: “Em đã lớn rồi” nhưng trông cô như một cô học sinh lớp 12. Anh và cô không biết ngồi ở café Hàn Thuyên nào, bên này hay bên kia đường. Thật ra anh muốn ngồi bên kia đường. Thật ra anh muốn trẻ lại. Thật ra cô muốn ngồi bên này đường, cô muốn ngồi trong thế giới của những người nổi tiếng và thành đạt.

Cuối cùng thì anh và cô chọn ngồi bên này đường, phía có biệt thự và bàn ghế. Anh và cô lần đầu gặp nhau. Anh nhớ có một truyện tên là “Lần đầu thân mật”. Có một thuật ngữ chuyên môn là “tán tỉnh” hay “chăm sóc khách hàng”. Có phải anh đang “tán tỉnh” hay “chăm sóc” cô không? Tán tỉnh để làm gì, chăm sóc để làm gì? Có phải đích của mỗi mối quan hệ là sex?

Anh bỗng nhớ bài test để thử xem một cô gái có ngây thơ hay không, đó là đưa tờ 100 ngàn đồng nhờ cô gái vào hiệu thuốc mua 500 đồng băng urgo, còn bao nhiêu mua hết bao cao su. Nhiều cô gái cười ngây thơ, coi đó là một chuyện đùa. Rất ít cô gái đủ ngây thơ để cầm tờ 100 ngàn đồng vào hiệu thuốc mua 500 đồng băng urgo, còn bao nhiêu mua hết bao cao su.

2. Đường Hàn Thuyên ngắn nhưng nằm ở vị trí cực đẹp giữa những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) và bên cạnh là công viên rộng lớn.

Cô đố anh: Đố anh đường nào ở Sài Gòn được gọi là đường “thay lời muốn nói”. Anh bảo: “Chắc là đường này, Đường Hàn Thuyên”. “Sao anh biết?” “Tại vì em đố. Và vì anh thấy ở góc đường người ta bán thiệp. Ở quê anh người ta gọi thiệp là thay lời muốn nói”.

Anh hay dùng từ ở quê anh, ở quê anh thế này, ở quê anh thế khác. Có người hỏi, quê anh ở đâu? Có lúc anh đùa: “Thường thôi, quê Bác”. Thật ra anh là người Hà Nội gốc. Anh bảo tổ tiên anh đến ở Làng hoa Ngọc Hà từ thế kỷ 13. Anh bảo nhà anh ở cạnh Lăng Bác, lúc nhỏ anh vẫn đá bóng ở Đường Hùng Vương, con đường trước Lăng. Hà Nội gốc hay không Hà Nội gốc, có gì là quan trọng? Có tiền hay không có tiền mới là quan trọng.

Cô bảo: “Em sinh ra ở Sài Gòn nhưng mẹ em sinh ra ở Cà Mau”. Anh bảo: “Thế làm sao mà mình quen nhau được nhỉ?”. Giống như một cậu bé ở Hà Nội, thấy bố bảo bố sinh ra ở Nghệ An, mẹ sinh ra ở Đà Nẵng đã hỏi: “Thế làm sao mà cả gia đình mình quen nhau được nhỉ?”

Làm sao mà hai người quen nhau?

Có tiểu thuyết nổi tiếng tên là “Cô đơn trên mạng”. Cô đơn trên mạng được thì quen nhau trên mạng được. Bây giờ người ta làm nhiều thứ trên mạng. Mạng, nghe thoáng qua như thể số mạng. Chuyện anh và cô gặp nhau có phải là số mạng không? Có bao nhiêu cuộc gặp trên đời? Có bao lần số phận lên tiếng?

Anh bảo: “Nếu có mở một quán café, anh sẽ lấy tên quán là 211 hoặc quán Tuỳ”. 211 thật ra là số của căn hộ chung cư anh đang ở. Tuỳ có nghĩa là tuỳ hứng hay tuỳ thời, tên của quán sẽ được viết cách điệu kiểu chữ Hán, thực đơn của quán sẽ là tuỳ, quán sẽ có bán đồ ăn nhẹ, những món kiểu như salat Nga hay salat bơ và tôm…Chuyện mở quán café cũng giống như chuyện mơ ước. Mơ ước chẳng ai đánh thuế cả. Vậy mà nhiều người không dám mơ ước. Ngày bé anh mơ ước trở thành nhà văn. Vậy mà như thể anh không dám thực hiện mơ ước của mình. Nhà văn thì có gì là xấu – dù có người viết “Nhà văn thì chơi với ai”.

Nhiều lúc anh tự hỏi “Vì sao anh có mặt trên Trái đất này?” Anh vẫn tin là con người sinh ra là để hạnh phúc, như con chim sinh ra có cánh để bay. Anh có mặt trên Trái đất này để sống hạnh phúc và sáng tạo. Sáng tạo là hạnh phúc? Sáng tạo là để lại dấu vết của mình trên Trái đất này.

Sáng nay anh định sẽ ở nhà, sẽ viết. Viết không phải là một phương tiện giúp con người lẩn tránh mình. Viết không phải là một cách giải khuây. Viết là con đường dẫn anh về với chính mình, về với giấc mơ của anh từ ngày bé. Viết là con đường cô đơn, con đường phiền não nhưng viết cũng là sự giải thoát.

Nhưng anh có hẹn với cô. Chính từ những bài viết của anh trên mạng mà cô biết anh.

Gặp nhau để làm gì nhỉ? Có một trò chơi là cứ hỏi hoài: Để làm gì, để làm gì, để làm gì? Sau câu “Để làm gì” thứ ba thế nào câu trả lời cũng liên quan đến cái chết.

Gặp nhau để làm gì nhỉ? Để nếu thấy hợp thì thân nhau. Thân nhau để làm gì nhỉ? Thân nhau để nếu thấy hợp thì cưới nhau? Cưới nhau để làm gì nhỉ? Cưới nhau để sinh con đẻ cái? Sinh con đẻ cái để làm gì? Để có người nối dõi sau khi mình chết.

3. Ngày thường, Đường Hàn Thuyên khá lặng lẽ nhưng cứ đến dịp Noel, lễ, Tết lại trở nên nhộn nhịp. Nhiều người thường đổ về đây để chọn mua những tấm thiệp gửi tặng người thân, bạn bè.

Cô hỏi anh: “Tết này anh có về Hà Nội không?”

Nhiều lúc anh tự hỏi mình: “Vì sao mình lại ở đây?” Vì sao anh chuyển vào sống ở Sài Gòn? Vì ở Sài Gòn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, vì ở Sài Gòn sống dễ hơn. Sống là dễ hay khó? Anh nghĩ rằng sống dễ lắm, chỉ cần sống tốt…Nhưng sống tốt không dễ.

Nhiều lúc anh tự hỏi mình: “Mình tin vào điều gì?” Anh tin là cứ sống tốt rồi như trong bài hát của Thanh Tùng “tình yêu cũng sẽ đến với em hỡi chú ve nhỏ ngày đêm hát ca”…

Từ café Hàn Thuyên bên kia đường vẳng lại tiếng vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm trong veo giữa Sài Gòn ồn ào, tấp nập. Những ngày Sài Gòn hơi lành lạnh như thể mùa thu. Đôi khi cũng nên đi chậm lại hay thậm chí đứng lại để cảm nhận được cuộc sống đang hối hả chạy nhanh cùng những lo toan trong cuộc sống. Ở Sài Gòn mọi thứ dường như chạy nhanh hơn cả ánh sáng, chạy nhanh để bắt kịp nhịp độ hối hả, bắt kịp những thay đổi đến chóng mặt của cuộc đời. Café Hàn Thuyên như là một trong những nét văn hoá đặc trưng của Sài Gòn.

Mỗi người có một chỗ để khi đến đó, người ta tìm thấy sự bình yên, thanh thản. Ngồi ở café Hàn Thuyên với cô, anh có thấy bình yên, thanh thản không?

Anh nghĩ về những năm tháng của đời mình. Có gì phải hối tiếc? “Cuộc đời có nghĩa gì đâu/Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì”. Nhưng khi chờ đợi đám cỏ lên xanh trên mộ mình cũng phải làm gì đó. Có thể là lập gia đình, có một đứa con, chăm sóc nó, đưa nó đi học…Nhiều lúc anh tự hỏi mình “Mình là người như thế nào?” Bề ngoài thì nhẹ nhàng nhưng thật ra là bất cần đời, chẳng có gì ràng buộc…Bởi vậy anh nghĩ sống ở đâu cũng thế, Sài Gòn hay Hà Nội, Moscow hay Boston…Miễn là mình thấy thoải mái, miễn là mình thấy vui, miễn là mình kiếm được tiền. Nhưng có lẽ Tết này anh sẽ về Hà Nội. Như trong bài hát “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ /Tôi vội vã trở về/Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/Dù chỉ là 1 chiều sương giăng lối cũ…”

Cô hỏi: “Anh hứng thú nhất với điều gì?” “Được đi, được thanh thản đọc và viết…” “Trong tương lai liệu anh có còn hứng thú đó?” “Chắc có!” Cô nghĩ anh đại diện cho lớp trí thức, thế hệ 7x có vẻ thành đạt nhưng bế tắc, vật vã giữa vật chất và tâm hồn, vật vã về chuyện ý nghĩa của cuộc sống.

Làm thế nào để tạo ra ý nghĩa cuộc sống? Ý nghĩa cuộc sống là sống có ý nghĩa.

Sự giàu có về vật chất có quan trọng không? Anh muốn sống tiện nghi, anh không chịu được khổ. Nên anh phải kiếm tiền. Anh hy vọng mình sẽ trở thành ai? Anh hy vọng mình sẽ tìm thấy chính mình, trở thành chính anh.